top of page

Phrynoglossus martensii

Bộ: Anura > Họ: Dicroglossidae > Dưới họ: Occidozyginae > Giống: Occidozyga

Cóc nước nhẵn – Striped Oriental Frog

Đặc điểm nhận dạng. Kích thước bé, chiều dài thân con đực khoảng 3 cm, con cái lớn hơn, khoảng 5 cm. Thân mập, chắc. Đầu khá dẹp, mõm dài, mút mõm tù nhìn từ bên, nhọn nhìn từ phái trên. Lỗ mũi tròn, gần mõm hơn mắt. Gờ da từ mõm tới mắt không rõ. Má hơi lõm. Không có răng lá mía, lưỡi ngắn, tròn, mút lưỡi không chẻ. Mắt tròn, con ngươi nằm ngang. Màng nhĩ tròn, nhỏ, có một gờ da trên màng nhĩ, từ sau mắt tới trước bả vai. 


Chân trước ngắn, ngón chân mảnh, mút ngón chân tròn, hơi phình ra. Không có màng bơi giữa các ngón. Ba củ bàn nhỏ. Các củ dưới khớp ngón nhô rõ, tròn. Chân sau mập, ống chân phình to. Khi gập dọc thân, khớp cổ chân vượt qua mắt. Khi chân gập vuông góc thân, hai gót chân không chạm nhau. Ngón chân dài, mảnh khảnh, mút ngón tròn và hơi phình. Màng bơi khá phát triển, tới 2/3 ngón chân thứ tư. Củ bàn chân trong dài, phát triển, không có củ bàn ngoài.


Da nhẵn, nhiều mụn cóc rải rác quanh thân, nhiều hơn ở sau lưng và hai bên hông. Da mặt trên các chân nhẵn với mụn cóc rải rác. Da bụng, mặt dưới các chân nhẵn.


Lưng màu sắc đa dạng, từ nâu đen, hơi trắng, nhiều cá thể có chấm trắng dọc bên má và hông. Một vài con (đa số con đực) có phần trên đầu tới mõm màu đỏ gạch. Bụng đa số màu trắng với họng và ngực có đốm đen thẫm. Mặt dưới các chân màu trắng có nhiều vệt đen rải rác. Đôi khi có 2 vệt màu sáng hai bên mép lưng. Giữa đỉnh đầu có 1 chấm trắng (con mắt thứ ba) (Köhler và cs., 2021; mẫu vật).


Sinh học. Loài hoạt động về đêm, sống bán cạn. Sinh sản vào mùa mưa, đẻ trứng. Bắt cặp ở các vũng lầy hoặc đầm nước cạn, hay ven suối cạn có nhiều thảm cỏ dày. Con đực bắt cặp con cái ở phần bẹn. Đẻ trứng trong nước cạn hoặc hốc nước nhỏ ven suối, đầm hay vũng nước cạn. Con đực kêu vào ban đêm dưới các đám cỏ dày, một túi kêu ngoài phình rộng khi kêu. Kêu thành từng tiếng đơn lẻ, khi có nhiều con đực cùng kêu thường kêu thành 1 tiếng dài và lớn. Với tai người, tiếng kêu trầm nghe như tiếng còi xe.


Trứng và nòng nọc. Trứng: chưa có báo cáo. Nòng nọc ở giai đoạn chân sau mọc đủ 5 ngón có thân dài, dẹp (đặc trưng của nhóm sống ở khu vực suối có mực nước cạn). Thân dài với phần mõm dài, miệng tròn, không có các mấu thịt quanh miệng, không có các hàng chất sừng trong miệng. Lỗ thở nằm bên thân, gần phía đuôi. Đuôi dài, hơn 3 lần thân, vây đuôi ngắn, mút đuôi nhọn. Thân màu nâu sáng có 1 vệt đen từ mõm, ngang qua mắt tới sau thân. Mắt màu đen nâu, sau mắt có nhiều đốm bạc. Đuôi màu nâu nhạt với nhiều đốm đen rải rác. Bụng màu trắng, có nhiều đốm bạc. Có thể nhìn thấy tim màu đỏ từ mặt dưới.


Sinh cảnh. Loài cóc nước nhẵn sống ở nhiều môi trường, từ rừng thường xanh, rừng thứ sinh tới khu dân cư và đồng ruộng. Thường gặp ở khu vực ẩm, nước cạn hay đầu nguồn suối. Nòng nọc sống tự do ở các vũng hay đầu nguồn suối cạn, đặc biệt khu vực sình lầy, nhiều bùn.


Phân bố. Trong nước: Phân bố rông khắp cả nước, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022).

Thế giới: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc (Frost 2022).


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không. Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại) (van Dijk và cs. 2004; AArk/ASG Assessment Workshop. 2012).


Nguồn gốc tên loài. Tên loài "martensii" được đặt theo tên một người đàn ông tên là Eduard Carl Von Martens (1831-1904), một nhà động vật học người Đức (Beloens và cs. 2013).


Loài tương tự. Loài này dễ nhầm với loài nhái, ngóe khi còn nhỏ. Nhưng có thể phân biệt bởi màng bơi (phát triển tới 1/2 ngón chân thứ 4 ở Cóc nước nhẵn, ít phát triển ở Ngóe). Ngoài ra, có một loài khác cũng gọi là Cóc nước, đó là Cóc nước sần Occidozyga lima, hai loài này khác nhau bởi da (nhám ở O. lima, trơn ở P. martensii), cấu trúc lưỡi (dài, hình giun ở đầu lưỡi ở loài O. lima, lưỡi tròn ở loài P. martensi), cách bắt cặp (bắt cặp ở nách ở loài O. lima, bắt cặp ở bẹn ở loài P. martensii) (Köhler và cs. 2021).


Ghi chú về tên loài. Trước đây loài này được xếp vào giống Occidozyga. Một nghiên cứu của tác giả Köhler và cs. (2021) đã đưa ra các bằng chứng khá chi tiết về hình thái ngoài, tập tính sinh sản và trình tự di truyền để tách nhóm này thành hai Giống riêng biệt (OccidozygaPhrynoglossus). Trong đó quần thể loài "Phrynoglossus martensii" tại Việt Nam thuộc về một loài chưa được đặt tên. Bên cạnh đó tác giả Dubois và cs. (2021) trong một công trình lớn về phân loại các loài Lưỡng cư thế giới đã dựa vào dữ liệu di truyền (nhiều nhóm loài, nhưng trong từng nhóm lại không đầy đủ như dữ liệu của Köhler và cs. 2021) để tách giống Occidozyga thành nhiều Giống mới (Frethia, Oreobatrachus, cùng với PhryoglossusOccidozyga). Frost (2022) vẫn sử dụng tên Occidozyga cho loài O. martensii và chờ các nghiên cứu rõ ràng hơn để đưa chúng về bậc phân loại phù hợp. VNherps sử dụng tên loài Phrynoglossus martensii theo Köhler và cs. 2021. Một loài cóc nước khác được mô tả từ Đà Lạt và Thừa Thiên Huế là Occidozyga (Phrynoglossus) vittata gầy đây được xem là đồng danh của loài O (P). martensii (Poyarkov và cs. 2020).


Tài liệu tham khảo.

Phrynoglossus martensiiLuan Nguyen
00:00 / 00:12
Phrynoglossus spec
bottom of page