top of page

The set:  Anura  > Family: Dicroglossidae > Below family: Dicroglossinae > Genera: Fejervarya

Fejervarya moodiei

Ếch cua – Blackish Frog

Đặc điểm nhận dạng. Kích thước lớn trong giống Ngóe, thân mập, con đực đạt 6 cm, con cái 8 cm. Đầu dài, hơi nhọn khi nhìn từ mặt bên, mép miệng phát triển. Mắt giả rõ giữa đỉnh đầu, phía trước 2 mắt. Mũi hướng lên, lỗ mũi gần mõm hơn so với mắt. Màng nhĩ rõ ràng, tròn, gờ trên màng nhĩ rõ. Răng lá mía phát triển, gần lỗ mũi trong ở mỗi bên.


Chân trước mập, ngón thứ nhất dài hơn ngón thứ 2, không có màng bơi giữa các ngón. Chân sau mập, khớp cổ chân chạm tới mắt khi chân gập dọc cơ thể, gót chân chạm nhau khi cẳng chân xếp vuông góc cơ thể. Ngón chân có rèm da ở phía ngoài ngón, rèm da ở gót ít phát triển. Củ bàn chân trong phát triển, dài, không có củ bàn ngoài. Màng bơi phát triển gần tới mút ngón thứ tư.


Da lưng trơn với các gờ da ngắn ở lưng, phía sau ngắn lại thành các nốt sần. Hông có ít nốt sần, mặt trên chân có các mụn nhỏ. Cằm, họng và bụng cùng mặt dưới các chân nhẵn.

Cơ thể màu nâu ô-liu hoặc trắng ngà, 2-3 vết chữ W lớn trên lưng, có nhiều vết loang lớn không đều nhau khắp lưng, đôi khi rất nhạt. Hai bên bẹn màu vàng. Bụng màu trắng đục, con đực có họng màu đen nhạt tại vị trí các túi kêu. Mắt màu đen (mô tả theo Taylor 1920; Yodthong và cs., 2019; kiểm tra mẫu vật).


Sinh học. Đây là một trong số ít loài lưỡng cư chịu được độ mặn và sống được ở vùng nước lợ. Khác với các loài lưỡng cư trưởng thành khác chỉ có một tuyến ở da, loài này có tới 3 tuyến gồm tuyến nhầy, tuyến hỗn hợp và tuyến không bào, liên quan tới quá trình lọc muối (Seki 1995). Thức ăn của loài này đa dạng, nhưng chủ yếu là các loài Cua (tên tiếng anh là Ếch ăn cua - Crab eating Frog). Sinh sản ở các vũng nước, đầm lầy ven biển và khu vực rừng ngập mặn từ tháng 3-4 (ghi nhận tại Phú Yên). Con đực kêu vào ban đêm, túi kêu ngoài rõ. Mỗi tiếng thường có 3 tiếng ngắn (nốt), mỗi nốt có tới 33-35 xung kéo dài. Tần số tiếng kêu khoảng 3.4 kHz (AmphibiaWeb 2012; Chandramouli và cs. 2020).


Trứng và nòng nọc. Nòng nọc khoảng 4 cm tổng chiều dài, cơ thể nòng nọc hình ô van, có màu tối với các đốm đen rõ. Đuôi dài gần gấp đôi thân, miệng hướng xuống.


Sinh cảnh. Sinh sống ở các đầm lầy, khu vực sông, suối ven biển, có 1 số ghi nhận ở vùng đất liền xa biển. Hiện nay môi trường sống bị chia cắt bởi các hoạt động của con người như việc xây dựng các đầm nuôi tôm, khu nghỉ dưỡng ven biển, hay mất sinh cảnh rừng ngập mặn. Tại Phú Yên có thể tìm thấy ở ven các đầm tôm ven biển. Nòng nọc sống ở các vùng nước lợ cạn.


Phân bố. Việt Nam: phân bố rộng dọc ven biển, bắt gặp nhiều hơn ở phía Nam từ Phú Yên trở vào. Thế giới:  từ Ấn Độ, quần đảo Andaman và Nicobar, phía Nam Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Mã Lai, Philippin (nơi mô tả đầu tiên). Các ghi nhận ở những khu vực này trước đây thuộc về loài Fejervaria cancrivora (loài hiện nay ghi nhận ở Indonesia, Bán đảo Mã Lai, Borneo, phía Nam của Kra (Thái Lan) (Frost 2022; Yodthong và cs. 2019).


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không đánh giá. Danh lục đỏ thế giới: DD (thiếu dẫn liệu) (Ohler 2004).


Nguồn gốc tên loài. Tên loài "moodiei" được đặt tên theo 1 người bạn của tác giả, Tiến sĩ Roy Lee Moddie tại đại học Illinois, Chicago, để vinh danh những đóng góp của ông trong công tác nghiên cứu Lưỡng cư đã tuyệt chủng ở Bắc Mỹ (Taylor 1920).


Loài tương tự. Loài này rất giống với Ếch đồng (Hoplobatrachus rugulosus) khi còn nhỏ hay hai loài Ngóe (Fejervaria) còn lại nhưng khác với Ếch đồng bởi màng bơi ít phát triển hơn và cấu trúc răng lá mía (phát triển hơn ở Ếch đồng, cách nhau bởi 1 rãnh nhỏ, trong khi răng lá mía loài Ếch cua tách nhau xa và gần lỗ mũi trong hơn).


Ba loài thuộc giống Fejervaria phân biệt nhau bởi sự phát triển của màng bơi: Thứ tự màng bơi phát triển giảm dần: F. moodiei (phát triển tới củ dưới khớp ngón chân ngoài) > F. limnocharis (phát triển tới củ dưới khớp ngón chân thứ 2) > F. multistriata (phát triển tới giữa củ dưới khớp ngón 2 và 3). Ngoài ra F. multistriata có phần da quanh lỗ huyệt với nhiều mụn trắng, đặc điểm này không có ở F. limnocharis (Chandramouli và cs. 2020; Taylor 1920, 1962; kiểm tra mẫu vật).


Hoang và cs (2022) phân tích trình tự gen 16SCytb các quần thể ven biển tại các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau. Kết quả cho thấy mức độ sai khác về di truyền của loài này là thấp (khoảng cách di truyền dao động 0.2-0.4%). Nghiên cứu này đồng thời xác nhận loài ếch cua tại Việt Nam là F. moodiei.


Tài liệu tham khảo.

  • AmphibiaWeb 2012 Fejervarya cancrivora: Crab-eating Frog <https://amphibiaweb.org/species/4748> University of California, Berkeley, CA, USA. Accessed Dec 6, 2021.

  • Chandramouli, S.R., Ankaiah, D., Prasad, K.V.D. & Arul, V. (2020) On the identity of two Fejervarya frog (Dicroglossidae) species from the Andaman and Nicobar Archipelago. Taprobanica 09, 194–204. https://doi.org/10.47605/tapro.v9i2.231

  • Hoang VC, Pham TC. and Nguyen QT. (2022) ADDITIONAL RECORDS AND PHYLOGENETIC RELATIONSHIPS OF Fejervarya moodiei (Taylor, 1920) (ANURA: DICROGLOSSIDAE) FROM VIETNAM. Journal of Forestry Science and Technology 14, 3–13. https://doi.org/10.55250/jo.vnuf.2022.14.003-013

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • Ohler A., 2004. Fejervarya moodieiThe IUCN Red List of Threatened Species 2004: e.T58276A11748038. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2004.RLTS.T58276A11748038.en. Accessed on 09 January 2022.

  • Seki, T., Kikuyama, S., and Yanaihara, N. (1995). ''Morphology of the skin glands of the Crab-eating Frog (Rana cancrivora).'' Zoological Science, 12(5), 623-626.

  • Taylor, E.H. (1920) Philippine Amphibia. The Philippine Journal of Science 16, 103–359.

  • Taylor, E.H. (1962) The amphibian fauna of Thailand. The University of Kansas science bulletin 43, 265–599. https://doi.org/https://doi.org/10.5962/bhl.part.13347

  • Yodthong, S., Stuart, B.L. & Aowphol, A. (2019) Species delimitation of crab-eating frogs (Fejervarya cancrivora complex) clarifies taxonomy and geographic distributions in mainland Southeast Asia. ZooKeys 2019, 119–153. https://doi.org/10.3897/zookeys.883.37544

Fejervarya moodieiLuan Nguyen
00:00 / 00:10
bottom of page