Vampyrius vampyrus
The set: Anura > Family: Rhacophoridae > Breed: Vampyrus
Ếch cây Ma cà rồng – Vampire treefrog
Đặc điểm nhận dạng. Kích thước con đực khoảng 4.5 cm, con cái lớn hơn, khoảng 5 cm. Thân khá dẹp khi nhìn bề ngang. Mõm ngắn, cụt khi nhìn bề ngang, mút mõm hơi nhô ra. Gờ từ mõm tới mắt rõ. Mũi hình ô van, hơi nhô lên, gần mút mõm hơn mắt. Con ngươi dọc. Màng nhĩ khá rõ, gờ trên màng nhĩ phát triển yếu. Không có chấm mắt giả ở giữa đỉnh đầu. Răng lá mía có 2 nhóm, gần lỗ mũi trong. Túi kêu trong hình ô van.
Chân trước khá mập, mút ngón chân có đĩa bám phát triển, có rãnh ngang ở giữa mút đĩa bám, màng bơi giữa các ngón ít phát triển. Không có củ bàn chân trước. Phần dấu tích ngón cái phát triển. Chân sau chắc, mút ngón chân có đĩa bám, bé hơn ở chân trước, rãnh ở giữa đĩa bám rõ ràng. Bàn chân có màng bơi phát triển tới giữa ngón, kéo dài ra tới mút ngón bởi rèm da. Không có rèm da ở gót, rèm da ở ống tay và bàn chân phát triển yếu. Củ bàn chân trong hình ô van, không có củ bàn ngoài.
Da lưng nhẵn, mặt dưới họng, ngực, bụng và đùi có các hạt nhỏ đều nhau. Gót chân có 1 cựa da dài khoảng 2 mm. Lưng màu đồng hoặc nâu sáng với các đốm đen nhỏ rải rác. Bả vai và hông màu đen lớn với các đốm trắng nhỏ. Họng, ngực và bụng màu trắng. Hai bên hông có có các vệt đen nhỏ. Dưới ống chân màu đen. Mắt màu vàng, con ngươi màu đen, khóe mắt màu xanh tím (Rowley và cs. 2010; Nguyễn và cs. 2017; mẫu vật).
Sinh học. Loài này có hình thức sinh sản rất đặc biệt. Chúng bắt cặp và đẻ trứng trong các hốc cây (độ cao phụ thuộc vào kiểu rừng, có thể rất cao ở rừng cổ thụ, hoặc thấp ở rừng trên đỉnh núi cao). Trứng đẻ thành đám bọt bên mép hốc. Hốc chứa trứng thường rất ít nước, đa số là chất nhầy được tiết ra trong khi đẻ. Ếch cái ở gần tổ trong suốt mùa sinh sản. Sau khi trứng nở, nó sẽ cung cấp nguồn thức ăn cho nòng nọc để phát triển đến khi thành ếch con bằng cách đẻ tiếp các lứa trứng khác (không thụ tinh) vào hốc (Rowley và cs. 2010; Vassilieva và cs. 2013)
Con đực kêu trên ngọn cây cao, tiếng kêu rất vang trong rừng như tiếng gõ mõ. Khoảng 5 tiếng trong 1 lần kêu. Ghi nhận kêu vào tháng 7 và 10.
Trứng và nòng nọc. Trứng đẻ trong đám bọt, màu trắng, tròn. Nòng nọc mới nở tổng chiều dài khoảng 7 mm, khi sắp hóa dài khoảng 42 mm. Toàn thân và đuôi có màu đen. Đuôi nòng nọc thường dài hơn thân 3 lần. Cơ thể nòng nọc dẹp, lỗ thở nằm mép dưới ở bên thân. Miệng tiến hóa với hàm trên có 2 mấu cong lồi ra, 1 hàng "răng" bằng chất sừng, và hàm dưới có 2 chiếc "răng" bằng chất sừng nhọn hướng thắng ra trước miệng, cấu trúc này giúp chúng ăn trứng trong quá trình phát triển. Bụng các cá thể nòng nọc ghi nhận chứa trứng ở nhiều thời điểm, có khi lên tới 42 quả trứng nhỏ. (Rowley và cs. 2010, 2012; Vassilieva và cs. 2013). Mô tả chi tiết về giải phẫu nòng nọc loài này xem Vera Candioti và cs (2021).
Sinh cảnh. Cá thể trưởng thành sinh sống ở tán rừng trên núi cao. Nòng nọc phát triển trong bọng cây chứa ít nước, có chất nhầy (Rowley và cs. 2010; Vassilieva và cs. 2013).
Phân bố. Loài đặc hữu hẹp của Việt Nam, hiện ghi nhận tại Lâm Đồng, Đắk Nông và Đắk Lắk độ cao từ 1500-2000 m (Frost 2022).
Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không. Danh lục đỏ thế giới: EN (Nguy Cấp) (IUCN 2020).
Nguồn gốc tên loài. Giống này có 1 loài duy nhất, tách ra từ giống ếch cây Rhacophorus. Tên giống Vampyrius và tên loài vampyrus nghĩa là Ma cà rồng, liên tưởng tới cặp răng nanh như truyền thuyết về Ma cà rồng và hành vi ăn trứng để phát triển của nòng nọc loài này.
Loài tương tự. Loài này giống với 1 loài ếch cây có cùng sinh cảnh sống và cựa da ở gót chân là Rhacophorus calcaneus (ếch cây cựa), tuy nhiên khác biệt bởi đặc điểm cơ thể loài này dẹp, mõm ngắn (loài R. calcaneus thon, mõm nhọn và gò mõm-mắt rất phát triển). Màu sắc loài V. vampyrus khá đồng nhất với nâu đồng chủ đạo, còn màu của R. calcaneus sặc sỡ, từ ô liu tới xanh lá chuối hoặc đồng, bụng với hông màu vàng chanh đặc trưng. Ngoaài ra, mắt loài V. vampyrus màu vàng còn mắt loài R. calcaneus có màu đỏ tươi ở nửa trên (Rowley và cs. 2010; kiểm tra mẫu vật).
Tài liệu tham khảo.
Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.
IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2020. Rhacophorus vampyrus (amended version of 2014 assessment). The IUCN Red List of Threatened Species 2020: e.T47143971A177130806. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2020-3.RLTS.T47143971A177130806.en. Accessed on 09 January 2022.
Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Đ.H Vũ, Phạm T. Hoa, Nguyễn N. Sang (2017) Kết quả bước đầu về thành phần loài lưỡng cư ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa C. V. Minh (Ed). Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ bảy, 261–267.
Rowley, J.J., Tran, D.T.A., Le, D.T.T., Hoang, H.D. & Altig, R. (2012) The strangest tadpole: the oophagous, tree-hole dwelling tadpole of Rhacophorus vampyrus (Anura: Rhacophoridae) from Vietnam. Journal of Natural History 46, 2969–2978.
Rowley, J.J.L., Le, D.T.T., Tran, D.T.A., Stuart, B.L., D. H., H., Le, D.T.T., Tran, D.T.A., Stuart, B.L. & Hoang, H.D. (2010) A new tree frog of the genus Rhacophorus (Anura: Rhacophoridae) from southern Vietnam. Zootaxa, 45–55.
Vassilieva, A.B., Galoyan, E.A. & Poyarkov, N.A. (2013) Rhacophorus vampyrus (anura: Rhacophoridae) reproductive biology: A new type of oophagous tadpole in Asian treefrogs. Journal of Herpetology 47, 607–614. https://doi.org/10.1670/12-180
Vera Candioti, F., dos Santos Dias, P.H., Rowley, J.J.L., Hertwig, S., Haas, A. & Altig, R. (2021) Anatomical features of the phytotelma dwelling, egg-eating, fanged tadpoles of Rhacophorus vampyrus (Anura: Rhacophoridae). Journal of Morphology 282, 769–778. https://doi.org/10.1002/jmor.21348