top of page

The set:  Anura  > Family: RanidaeBreed: Amolops

Amolops cremnobatus

Ếch bám đá lào – Lao Sucker Frog

Đặc điểm nhận dạng. Đặc điểm nhận dạng nhanh: Kích thước bé trong giống ếch bám đá Amolops, con đực 3.2-3.4 cm, con cái 3.5-4.0 cm; có răng lá mía, màng nhĩ rõ, đĩa bám ở các ngón chân phình rộng, ngón I ngắn hơn ngón II; con đực không có túi kêu nhưng có chai sinh dục. Lưng có gờ da không liền ở hai bên. Màu xanh rêu nhạt với các đốm hay vện màu vàng địa y. Nòng nọc có miệng ở phía mặt bụng, dạng đĩa bám phình rộng nằm phía dưới đặc trưng của giống Amolops.


Mô tả: Cơ thể dẹp, đầu rộng hơn dài. Mõm ngắn, nhô ra phía trước và dốc khi nhìn từ bên rất đặc trưng; lỗ mũi gần mõm hơn mắt; gờ bên mõm rất rõ; lỗ mũi nhỏ, hơi lồi; mắt có đường kính lớn hơn chiều dài mõm; màng nhĩ rõ; gờ quanh mang nhĩ hơi lồi; đường kính màng nhĩ nhỏ hơn một nửa đường kính mắt; răng lá mía thành nhóm 2-4 chiếc nằm giữa hai lỗ mũi trong. 


Ngón chân trước thứ nhất ngắn hơn ngón thứ II, ngón III dài hơn khoảng 1.5 lần chiều dài mõm; đĩa bám phát triển rộng; có gờ giữa đĩa bám và các rãnh da thô ráp ở mặt dưới đĩa bám; các củ dưới ngón chân phát triển; củ bàn phụ hiện diện ở hai ngón ngoài; ở ngoài rìa ngón II và ngón III có rèm da. Không có màng bơi ở giữa các ngón chân trước. 


Đĩa bám ngón chân sau bé hơn các đĩa bám ngón chân trước; đặc điểm các đĩa bám tương tự ở ngón chân trước; màng bơi giữa các ngón chân phát triển hoàn toàn; gờ da ở ngoài ngón I phát triển; củ bàn trong nhỏ và tròn; củ bàn ngoài nhỏ, có khi không rõ; gót chân có các mụn (tuyến) phát triển. 


Da mắt có một vài mụn cóc nhỏ; gờ da bên trên hông không liền nhau, tạo thành từ các mụn lớn; da họng,cằm bụng và đùi phủ hạt nhỏ; có các mụn cóc với những đốm trắng nhỏ ở đầu xung quanh lỗ huyệt. 


Con đực mùa sinh sản có chai sinh dục màu trắng phủ mặt lưng và dưới ngón thứ nhất với các hạt mịn; túi kêu trong cạnh miệng rõ nhưng không có túi kêu ngoài khi kêu. 


Lưng và bên hông màu nâu hoặc xanh nhạt với các đốm hoặc vệt vàng không đồng đều về kích thước và vị trí. Hai bên hông có các vện màu trắng trên nền nâu đậm; mặt trên chân trước và sau màu xanh rêu có các vện ngang màu vàng nhạt; bụng màu trắng; mắt màu đen có màu hơi đỏ ở giữa phía trước và sau mắt. Mặt trên các đĩa bám có màu trắng xen kẽ màu nâu đen. Mô tả theo Inger and Kottelat (1999); Pham et at. 2015 và mẫu vật.


Sinh học. Các cá thể trưởng thành tìm thấy ở những tảng đá lớn ven suối nước chảy vừa phải, đặc biệt nơi có thác nước. Sinh sản khoảng tháng 5 đến tháng 7 tại các thác nước chảy ở miền Trung (Pham et al. 2015, quan sát trực tiếp).


Trứng và nòng nọc. Đẻ trứng màu trắng đục có một lớp thạch thành cụm tại các thác nước chảy. Nòng nọc đặc trưng cho nhóm ở khu vực nước chảy xiết, với miệng nằm ở mặt bụng, phát triển rộng có nhiều hàng keratin (răng), 10 hàng ở phần trên và 6 hàng ở phần dưới đĩa miệng, nòng nọc giai đoạn cuối sắp hóa ếch con có tổng chiều dài khoảng 2.3 cm (mô tả chi tiết vui lòng tham khảo Pham et al. 2015).


Sinh cảnh. Suối đá rêu trong rừng thường xanh, độ cao 200-1352 m (IUCN 2016).


Phân bố. Việt Nam: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Sơn La và Thừa Thiên Huế. Thế giới: miền Trung Lào và Thái Lan (Frost 2022; Pham et al. 2022).


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không. Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít Lo ngại) (IUCN 2016).


Nguồn gốc tên loài. Tên loài “cremnobatus” từ tiếng Đức “kremnobates” có nghĩa là khu vực dốc thường xuyên, để mô tả nơi thu loài này là các con suối có các thác nước thường xuyên dốc (Inger and Kottelat 1999).


Loài tương tự. Tương tự nhóm Amolops ricketii phân bố ở Trung Quốc, khác biệt về kích thước, đặc điểm mõm và gờ da.


Tài liệu tham khảo.

  • Bộ Khoa học Công nghệ (2007). Sách đỏ Việt Nam. Phần I. Động Vật. NXB Khoa học Tự nhiên và Công Nghệ. Hà Nội.

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • Inger, R.F. & Kottelat, M. (1998) A new species of ranid frog from Laos. Raffles Bulletin of Zoology 46, 29–34.

  • IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2016. Amolops cremnobatusThe IUCN Red List of Threatened Species 2016: e.T29435A88161090. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2016-3.RLTS.T29435A88161090.en. Accessed on 29 December 2021.

  • Pham, A. Van, Nguyen, Q.T., Pham, T.C., Sung, B.N., Le, D.M., Vaxong, T. & Ziegler, T.Z. (2022) New records of amphibians from Son La Province, Vietnam. Herpetology Notes 15, 169–178.

Amolops cremnobatusLuan Nguyen
00:00 / 00:10
bottom of page