top of page

Hoplobatrachus rugulosus

Bronze Frog – Asian Rugose Bullfrog

The set:  Anura  > Family: Dicroglossidae > Below family: Dicroglossinae > Genus: Hoplobatrachus

Đặc điểm nhận dạng. Kích thước cơ thể lớn, chiều dài thân đạt tới 10 cm. Thân mập, đầu dài hơn rộng, mõm tròn khi khìn từ phía trên, màng nhĩ rõ, hơi tròn, mép miệng phát triển. Răng lá mía hai hàng rất phát triển, liền với lỗ mũi trong, cánh nhau bởi 1 rãnh nhỏ. Lỗ mũi gần mõm hơn mắt, gờ từ mõm tới mắt không rõ.


Chân và tay mập, màng bơi chân trước không có, màng bơi chân sau phát triển hoàn toàn tới mút ngón IV. Khi gập dọc thân khớp cổ chân đạt đến phía sau mắt.


Da sần sùi, mặt lưng sần với các nếp da nhăn dọc lưng, thường đứt đoạn xen kẽ nhiều mụn nhỏ. Hai bên hông có nhiều mụn gai nhỏ, nhám. Đùi và ống chân hơi nhám với nhiều mụn nhỏ ở mặt trên đùi. Mặt bụng nhẵn.


Màu sắc tự nhiên của loài này dao động từ màu vàng nhạt, nâu nhạt hay màu xanh ô liu với các đốm đen nhỏ trên lưng và dưới cằm; bụng có màu trắng đục với nhiều vện đen lớn (mô tả theo mẫu vật).


Sinh học. Là loài đẻ trứng, thường đẻ thành từng đám trong nước sau các trận mưa lớn. Hoạt động và sinh sản chủ yếu vào ban đêm. Loài này đẻ vào mùa mưa từ tháng 4-8 (thay đổi theo vùng miền). Thường nghe con đực kêu vào ban đêm ở đồng ruộng sau các trận mưa lớn. Đặc điểm tiếng kêu của loài này trầm, tiếng kêu dao động từ 3-5 tiếng mỗi nhóm, đôi khi liên tục (khi có nhiều ếch đực gần kề) (Wei và cs. 2011).


Trứng và nòng nọc. Trứng màu đen lúc mới đẻ có hai lớp thạch trong suốt bao phủ bên ngoài. Mỗi quả trứng có đường kính khoảng hơn 2 mm. Giai đoạn phôi phát triển trong vòng 13-21h sau khi thụ tinh. Nòng nọc khi có đủ 5 ngón chân sau có phần thân màu nâu nhạt với nhiều đốm đen không đều ở trên lưng và hông. Phần vây trên và dưới đuôi nhô cao ở giữa đuôi, màu đục với nhiều chấm đen nhỏ, mút đuôi nhọn. Miệng hướng xuống. Nòng nọc có tổng chiều dài khoảng 4.7 cm (thân và đuôi) khi chân sau đủ 5 ngón (Traijitt và cs. 2021; mẫu vật).


Sinh cảnh sống. Sinh cảnh rừng tự nhiên cho tới đồng ruộng và rừng thứ sinh. Môi trường sống chủ yếu gần khu vực có nước. Nòng nọc phát triển tự do ở môi trường nước, từ sau khi trứng nở tới khi hóa ếch con khoảng 26-33 ngày.


Phân bố. Phân bố rộng khắp cả nước: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022).

Thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Philippines (Frost 2022)


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không đánh giá. Danh lục đỏ thế giới: LC (ít lo ngại) (Diesmos và cs. 2004).


Nguồn gốc tên loài. Tên loài "rugulosus" bắt nguồn từ tiếng Latin "rugulosa" nghĩa là nếp nhăn, thể hiện các nếp nhăn trên da của loài ếch đồng.


Loài tương tự. Loài này rất giống với Ngóe (Fejervarya limnocharis) khi còn nhỏ hay Ếch cua (Fejervarya moodiei) nhưng có thể phân biệt với hai loài này bởi đặc điểm màng bơi phát triển hoàn toàn, trong khi ở Ngóe màng bơi phát triển không vượt quá ½ ngón IV); khác với Ếch cua bởi cấu trúc răng lá mía (phát triển hơn ở ếch đồng, cách nhau bởi 1 rãnh nhỏ, trong khi răng lá mía loài ếch cua tách nhau xa và gần lỗ mũi trong hơn) (Kiểm tra mẫu vật).


Tài liệu tham khảo.

  • Diesmos A, van Dijk PP, Robert Inger, Djoko Iskandar, Michael Wai Neng Lau, Zhao Ermi, Lu Shunqing, Geng Baorong, Lue Kuangyang, Yuan Zhigang, Gu Huiqing, Shi Haitao, Chou Wenhao. 2004. Hoplobatrachus rugulosusThe IUCN Red List of Threatened Species 2004: e.T58300A11760194. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2004.RLTS.T58300A11760194.en. Accessed on 16 December 2021.

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • Traijitt, T., N. Kitana, W. Khonsue, and J. Kitana. (2021) Chronological changes in the aomatic development of Hoplobatrachus rugulosus (Wiegmann, 1834) (Anura: Dicroglossidae). Tropical Natural History. Chulalongkorn University, Thailand 21: 184–199.

  • Wei L., Lin Z.H., Ma X.M., Zhao L.H. & Ma X. (2011) Acoustic characteristics of the tiger frog, Hoplobatrachus rugulosus, during the breeding season. Zoological research, 32 (4): 456-460.

Hoplobatrachus rugulosus Luan Nguyen
00:00 / 00:10
bottom of page