top of page

Ingerophrynus galeatus

The set:  Anura  > Family: Bufonidae > Genera: Ingerophrynus

Cóc rừng – Helmeted Toad

Đặc điểm nhận dạng. Chiều dài thân con đực khoảng 7 cm, con cái lớn hơn, đạt tới 10 cm. Thân thon. Đầu tù, mõm ngắn, tù nhìn từ bên và trên. Gờ mõm tới mắt rất rõ ràng, má dốc và phẳng. Lỗ mũi hướng sang ngang, nhô ra khỏi mõm, hình bầu dục, gần mõm hơn mắt. Mắt lồi ra, mí mắt phát triển, con ngươi nằm ngang. Màng nhĩ rõ, hình bầu dục hướng dọc, gờ trên màng nhĩ to, rõ. Tuyến mang tai phát triển, nhô cao và khá tròn.


Chân trước mảnh, ngón chân phát triển. Ngón I dài hơn ngón II. Không có màng bơi giữa các ngón, đầu mút ngón tròn, không phình thành đĩa bám. Các củ bàn phát triển. Chân sau ngắn, chân gập dọc thân, khớp cổ chân chạm màng nhĩ. Hai gót chân không chạm nhau khi chân gập vuông góc với thân. Bàn chân có màng bơi ít phát triển, chưa tới 1/2 ngón thứ tư. Mút ngón chân tròn, không hình thành đĩa bám. Củ bàn chân trong và ngoài rõ.


Da xù xì, phần lưng và đầu có các hạt mụn cóc. Hai bên các mụn phát triển hơn. Họng có hạt mịn. Bụng có các hạt mụn đều, lớn hơn ở họng, ít phát triển hơn lưng. Con cái mụn cóc phát triển hơn con đực thành các gai ngắn, đặc biệt là bên bả vai và hông.


Cơ thể màu nâu hoặc đồng, đôi khi vàng nhạt, con cái thường sẫm màu hơn con đực. Nhiều vệt đen rải rác, trong đó có 1 vệt chữ V ngược sau gáy rất đặc trưng, đôi khi có thêm 1-2 vệt đen giữa lưng đối xứng. Chân có các vệt ngang sáng màu (Mô tả dựa trên mẫu vật).


Sinh học. Cóc rừng sinh sản vào mùa mưa tháng 4-6 (miền Trung), đẻ trứng trong nước tại các vũng nước cạn ven suối. Con đực kêu liên tục vào ban đêm, tiếng kêu trầm, liên tục đôi khi thành nhóm gồm 6 tiếng kêu. Mùa sinh sản, ngón chân thứ nhất con đực có đám gai mịn màu đen, để bám vào con cái trong quá trình giao phối.


Trứng và nòng nọc. Chưa có ghi nhận về trứng. Nòng nọc nhỏ, dẹp, vây đuôi ít phát triển. Thân và đuôi màu đen đậm rất dễ nhận ra, mút đuôi đôi khi màu bạc hơn thân (Hendrix và cs. 2009).


Sinh cảnh. Cóc rừng sinh sống ở thảm mục rừng thường xanh hoặc thứ sinh phục hồi, độ cao lên tới 1900 m. Ít khi sống ở khu vực rừng trồng hoặc khu dân cư. Nòng nọc tìm thấy ở các vũng nước bên cạnh suối, sống thành đám lớn.


Phân bố. Trong nước: Phân bố rộng hầu như khắp cả nước, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022).

Thế giới: Lào và Campuchia. Loài này ban đầu được mô tả bởi 1 mẫu vật thu thập tại vùng biên giới Việt Nam và Camphuchia, gần tỉnh Bình Phước (Frost 2022).


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: VU (Sẽ Nguy cấp); Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại) (IUCN 2017).


Nguồn gốc tên loài. Không ghi chú.


Loài tương tự. Có 2 loài Cóc trong giống Ingerophrynus ghi nhận tại Việt Nam là Cóc rừng và Cóc màng nhĩ to (Ingerophrynus macrotis). Hai loài này khác nhau bởi gờ màng nhĩ và tuyến sau mang tai (phát triển ở Cóc rừng); màng nhĩ (bầu dục và bé ở Cóc rừng, tròn và lớn ở Cóc màng nhĩ to).

Ngoài ra Cóc rừng hay bị nhầm lẫn với cóc nhà (Duttaphrynus melanostictus), tuy nhiên loài cóc nhà có tuyến mang tai phát triển và gờ trên màng nhĩ rất bé chỉ chiếm 1/3 kích thước tuyến mang tai. Ngược lại, ở Cóc rừng, gờ trên màng nhĩ phát triển hơn và độ lớn gần tương đương tuyến mang tai. Các mụn ở Cóc rừng nhỏ và đều hơn, ở con cái lại phát triển hơn thành gai (kiểm tra mẫu vật).


Tài liệu tham khảo.

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • Hendrix, R., Böhme, W., Ziegler, T. & Hendrix, R. (2009) The tadpole of the Helmeted Toad , Ingerophrynus galeatus ( Günther , 1864 ), from Vietnam ( Anura : Bufonidae ). 2, 155−160.

  • IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2017. Ingerophrynus galeatusThe IUCN Red List of Threatened Species 2017: e.T54645A113955676. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2017-2.RLTS.T54645A113955676.en. Accessed on 16 December 2021.

Ingerophrynus galeatusLuan Nguyen
00:00 / 00:12
bottom of page