The set: Anura > Family: Bufonidae > Genera: Duttaphrynus
Duttaphrynus melanostictus
Cóc nhà – Asian Black-spined Toad
Đặc điểm nhận dạng. Chiều dài thân con đực có thể đạt 6 cm, con cái 7-9 cm. Thân mập, đầu thuôn, tù nhìn từ bên, nhọn nhìn từ phía trên. Mõm khá dài. Lỗ mũi hướng ra sau, gần mõm hơn mắt. Mắt lớn, con ngươi nằm ngang. Màng nhĩ phát triển, hình bầu dục dọc, gờ trên màng nhĩ (tuyến màng nhĩ) rõ, ngắn. Gờ mắt-mõm phát triển. Gờ mắt mõm tiếp giáp với gờ trên mắt và gờ màng nhĩ tạo thành 1 đường liên tục và nhô cao, đôi khi tiếp xúc với 1 gờ dưới mắt tạo thành một khung quanh mắt, đối xứng ở hai bên đầu. Tuyến mang tai phát triển rất lớn, nhô lên hình bầu dục, chiều dài hơn 2 lần đường kính mắt (mô tả dựa trên mẫu vật).
Chân trước mập, ngón chân tròn, mút ngón chân không phình thành đĩa bám. Không có màng bơi hay rèm da giữa các ngón chân. Củ bàn chân ngoài lớn, củ bàn trong nhỏ hơn. Ngón chân I dài hơn ngón II. Chân sau mập, ngắn. Khớp cổ chân chỉ chạm phần cuối tuyến mồ hôi khi chân gập dọc thân. Hai gót chân không chạm nhau khi chân gập vuông góc cơ thể. Ngón chân thon, mút ngón chân không phình ra thành đĩa bám. Màng bơi ít phát triển, chưa tới 1/3 ngón chân thứ tư. Củ bàn chân trong và ngoài rõ ràng (Mô tả dựa trên mẫu vật).
Da sần sùi, đầu và phần gáy ít sần sùi hơn. Lưng, hông có các mụn cóc kích thước thay đổi. Hai bên hông các mụn lớn đôi khi thành hàng dọc hông. Mặt trên các chân có các mụn đều, bé hơn lưng và hông. Mặt dưới cằm, bụng và các chân có các hạt mụn đều, mịn và bé hơn mặt lưng. Mặt dưới các ngón chân có các hạt mụn nhỏ. Phía sau màng nhĩ có 1 đám mụn phát triển thành gai.
Màu sắc dao động, đa số nâu hoặc màu vàng nhạt. Hai bên hông có 1 dãy mụn cóc màu sáng hơn. Bụng màu vàng nhạt hoặc trắng đục. Gờ mõm-mắt và gờ sau mắt màu đen rất đặc trưng.
Sinh học. Cóc nhà có đời sống gắn liền với khu dân cư, đồng ruộng. Đẻ trứng vào mùa mưa (tùy theo khu vực địa lý). Con đực kêu ban đêm, tiếng kêu liên tục không thành nhóm. Đẻ trứng ở các vũng nước tù hay ruộng, ao hồ.
Trứng và nòng nọc. Trứng đẻ dạng dây đơn với hai lớp màng nhầy trong suốt. Nòng nọc khá dẹp, vây đuôi ít phát triển. Thân và đuôi màu nâu tối, miệng hướng xuống. Ăn các loại thực vật hoặc rong rêu.
Sinh cảnh. Sống ở nhiều sinh cảnh gần gũi với các khu dân cư, đồng ruộng. Di cư theo người. Bị tác động bởi các hóa chất con người sử dụng.
Phân bố. Khắp cả nước: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022).
Thế giới: Phân bố rộng ở châu Á, di cư tới Bali và Madagasca. Quần thể loài ở đảo Madagasca có nguồn gốc từ cảng Sài Gòn (Frost 2022, Vences và cs. 2017).
Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không; Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại) (van Dijk và cs. 2004).
Nguồn gốc tên loài. Không ghi chú.
Loài tương tự. Có hai loài trong giống Cóc nhà, Duttaphrynus ở Việt Nam, gồm loài Cóc nhà và Cóc Pa-giơ (Duttaphrynus pageoti). Cóc Pa-giơ tìm thấy ở Tây Bắc tới miền Trung, trong rừng thường xanh. Phân biệt với Cóc nhà bởi đặc điểm tuyến mang tai ít phát triển hơn, chiều dài tương đương đường kính mắt (tuyến mang tai rất lớn hơn 2 lần chiều dài đường kính mắt ở Cóc nhà). Không có "khung bảo vệ" là gờ mắt-mũi liên tục với gờ quanh mắt đối xứng (Cóc nhà có gờ mõm-mắt và gờ sau mắt màu đen rất đặc trưng). Màng bơi Cóc nhà ít phát triển hơn (xem ảnh 14, Poyarkov và cs. 2021 của loài Duttaphrynus pageoti).
Tài liệu tham khảo.
Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.
Poyarkov, N.A., Van Nguyen, T., Popov, E.S., Geissler, P., Pawangkhanant, P., Neang, T., Suwannapoom, C. & Orlov, N.L. (2021) Recent progress in taxonomic studies, biogeographic analysis, and revised checklist of amphibians in Indochina. Russian Journal of Herpetology 28, 1–110. https://doi.org/10.30906/1026-2296-2021-28-3A-1-110
van Dijk, P.P., Iskandar, D., Lau, M.W.N., Huiqing, G., Baorong, G., Kuangyang, L., Wenhao, C., Zhigang, Y., Chan, B., Dutta, S., Inger, R.F., Manamendra-Arachchi, K. & Khan, M.S. 2004. Duttaphrynus melanostictus (errata version published in 2016). The IUCN Red List of Threatened Species 2004: e.T54707A86445591. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2004.RLTS.T54707A11188511.en. Accessed on 16 December 2021.
Vences, M., Brown, J.L., Lathrop, A., Rosa, G.M., Cameron, A., Crottini, A., Dolch, R., Edmonds, D., Freeman, K.L.M. & Glaw, F. (2017) Tracing a toad invasion : lack of mitochondrial DNA variation , haplotype origins , and potential distribution of introduced Duttaphrynus melanostictus in Madagascar. 38, 19207. https://doi.org/10.1163/15685381-00003104