Asiu! Con gì đấy nhỉ? Em biết đâu ai đang thổi kèn ý anh!
Mở đầu cho việc tìm thấy một loài ếch, đôi khi không phải là nhìn thấy, mà là nghe thấy. Đó là câu chuyện tôi và A Siu, một anh chàng sinh ra từ núi rừng Kon Tum hùng vĩ. Câu chuyện đấy đã xảy ra từ 2 năm trước, khi tôi có dịp được đi vào một trong những cánh rừng tự nhiên còn nguyên sơ nhất Việt Nam.
Sau khi nghe tiếng "thổi kèn" giữa đêm, tôi và Siu đi lại gần tới để xem đứa nào đang thổi kèn. Càng đi, tiếng kêu càng gần giữa suối và lấn át bởi tiếng nước chảy xiết của thác nước. Một lúc thì tiếng kèn dừng lại, lâu nữa lại vang lên như trêu ngươi chúng tôi. Sau một hồi sục sạo, nhân vật đã lộ diên, đấy là một chàng trai có đôi mắt cực kì mê hoặc, khoác lên mình một bộ giáp chắc chắn và mạnh mẽ.
Anh chàng này thủ thỉ với chúng tôi rằng ảnh đang thổi kèn để dụ "gái", nếu lọt vào được mắt xanh cô nào đó, ảnh sẽ có một đêm mãn nguyện và rồi thì thế hệ sau sẽ ra lò. Lúc đấy chúng tôi chưa biết ảnh tên gì, là ai và sinh ra từ đâu, chỉ làm vài bức ảnh chung rồi về. Nhưng sớm nay, khi đọc một bản tin "khoa học", tôi mới nhận ra ảnh vừa được cấp giấy khai sinh và có tên là Ếch gai sần Tạo. Nghe nó nửa người nửa ếch nhỉ hehe.
Ếch gai sần là tên chung của 1 nhóm ếch kích thước khá lớn ở Việt Nam (có lẽ thuộc hàng lớn nhất ở 1 số loài, trong lượng có thể đạt tới nửa cân), có gai xù xì ở lưng và hầu hết chỉ tìm thấy ở các thác nước lớn dưới các khu rừng nguyên sinh có những dòng nước mát lạnh. Tên khoa học nhóm này là Quasipaa. Ếch gai sần Tạo, tên là Quasipaa taoi được đặt để vinh danh cho những đóng góp quan trọng của nhà nghiên cứu Lưỡng cư bò sát Việt Nam, Nguyễn Thiên Tạo.
Việc tìm ra tên tuổi của anh bạn cũ, vừa giúp biết thêm điều mới về sự đa dạng của nhà Ếch gai ở Việt Nam, vừa cho thấy ý nghĩa của việc bảo vệ những cánh rừng, là ngôi nhà của các loài trước khi tên của chúng được khám phá.
Bản tin khoa học về loài này xem tại: https://doi.org/10.3897/zookeys.1124.89282
Comments