top of page

Limnonectes poilani

Bộ: Anura > Họ: Dicroglossidae > Dưới họ: Dicroglossinae > Giống: Limnonectes

Ếch nhẽo Poilan – Poilan's Frog

Đặc điểm nhận dạng. Kích thước lớn trong giống Limnonectes, chiều dài thân ở con đực đạt tới 11 cm. Thân và các chi mập, đầu phát triển rộng về bề ngang ở con đực, hai mấu xương (răng nanh) ở hàm dưới phát triển ở cả hai giới tính, không có phần mũ nhô cao ở sau đầu. Màng nhĩ rõ, tròn, khoảng cách tới mắt lớn hơn đường kính mắt. Chân mập, không có màng bơi giữa các ngón chân trước, màng bơi chân sau phát triển gần hoàn toàn tới đầu mút ngón chân, mút ngón chân hơi phình. Khi gập dọc thân, khớp cổ chân chạm tới mõm.


Cơ thể có màu đa dạng, lưng thường màu nâu chủ đạo, bụng có màu trắng hoặc nâu thẫm phần họng, ngực thường màu trắng, bụng màu trắng với hai bên hông màu vàng chanh. Nhiều cá thể có sọc trắng nhạt giữa lưng. Mắt thường có vệt dấu cộng (+) ngang mắt, màng nhĩ thường có 2 màu đen ở trên và trắng ở dưới (Tran 2018; Pham và cs. 2019; mẫu vật).


Sinh học. Sinh sản ở đầu các con suối cạn hoặc nước chảy chậm. Thường đẻ trứng vào thời điểm mưa lớn trong đêm. Con đực kêu từ tháng 3 tới tháng 6 ở suối cạn hoặc vũng nước chảy chậm, tiếng kêu nghe như tiếng đánh trống liên tục. Loài này có tập tính tạo ra các vũng nước nông ven suối cạn để đẻ trứng và bảo vệ nòng nọc. Con đực có thể giao phối với nhiều con cái trong quá trình đẻ trứng.


Trứng và nòng nọc. Trứng và nòng nọc ghi nhận ở suối cạn. Nòng nọc có cơ thể dẹp và vây đuôi ngắn đặc trưng cho nhóm này. Trứng có 1 lớp thạch trong suốt khi mới đẻ.


Sinh cảnh sống.  Sống ở trên thảm mục lẫn ven hoặc trong lòng suối ở nhiều dạng sinh cảnh gồm rừng thường xanh và rừng thứ sinh, độ cao lên tới 1500 m. Nòng nọc sống tự do ở suối cạn (Pham và cs. 2019; Frost 2022).


Phân bố. Trong nước: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Nước ngoài: Campuchia (Frost 2022; Pham và cs. 2019).


Tình trạng bảo tồn.  Sách đỏ Việt Nam: Không đánh giá. Danh lục đỏ thế giới: LC (ít lo ngại) (IUCN 2017).


Nguồn gốc tên loài. Từ "poilani" đựợc đặt theo một người Pháp tên là Eugene Poilane (1888-1964), xuất thân từ một công nhân pháo binh, sau đó là nhà thực vật học của bảo tàng lịch sử tự nhiên Pháp. Người đã thu thập các mẫu vật đầu tiên của loài này tại Khe Sanh, Quảng Trị. Ông cũng là người đầu tiên mang cây cà phê tới vùng Khe Sanh, Quảng Trị (Beolens và cs. 2013; Dinh Thanh Thai 2018).


Tài liệu tham khảo:

Limnonectes poilaniLuan Nguyen
00:00 / 00:08
bottom of page