top of page

Limnonectes limborgi

Bộ: Anura > Họ: Dicroglossidae > Dưới họ: Dicroglossinae > Giống: Limnonectes

Ếnh nhẽo Limborg – Limborg fanged frog

Đặc điểm nhận dạng. Kích thước bé trong giống Limnonectes. Chiều dài thân trung bình khoảng 3.5 cm. Thân khá mập, mõm tù khi nhìn ngang, mũi hướng ngang, gần mõm hơn mắt. Màng nhĩ rõ, tròn, gờ trên màng nhĩ rõ.


Chân trước ngắn, mút ngón chân tròn, không có màng bơi giữa các ngón. Chân sau mập, mút ngón chân tròn, hơi phình, màng bơi giữa các ngón gần chạm tới củ ngón chân giữa. Củ bàn chân trong dài, không có củ bàn chân ngoài. 


Da lưng nhẵn có các mụn nhỏ, đôi khi chia thành 2 hàng phía sau mắt. Một gờ da hình chữ V ngược ở giữa lưng trên bả vai. Da bụng và da dưới các chân nhẵn. Màu sắc ở trên lưng nâu hoặc vàng nhạt. Giữa 2 mắt có 1 vệt đen nhỏ, sau mắt có vài vệt đen. Đôi khi có sọc trắng giữa lưng. Ngực và họng màu vàng nhạt với các vệt đen, bụng màu vàng nhạt (Inger & Stuart 2010; mẫu vật).


Sinh học. Loài này có hình thức sinh sản rất đặc biệt, con đực tạo ra các hốc ở khu đất mềm ven suối, cách hơn 10 m từ suối hay các vũng nước gần đó, vừa đủ cơ thể trú ẩn, hốc có đường kính khoảng 3-4 cm, sâu 2-3 cm. Ban đêm kêu để thu hút con cái. Sau khi giao phối con cái đẻ trứng cùng dịch nhầy vào hốc đất và phủ lại bởi lá mục. Các hốc thường cách nhau hơn 1 m (Rowley và cs. 2012; dữ liệu cá nhân).


Trứng và nòng nọc. Trứng đẻ trong hốc đất thành đám khoảng 5-15 quả (đường kính khoảng 4 mm), nòng nọc phát triển trực tiếp trong đám nhầy trong suốt ở hốc đất thay vì sinh trưởng trong nước ở suối. Trứng màu vàng nhạt, 1 lớp thạch trong. Nòng nọc (ở giai đoạn 37, khoảng 15 mm tổng chiều dài) vẫn còn noãn hoàng, đuôi trong và không có đốm đen. Hình thức sinh sản này được gọi là "endotrophicnidicolous", tức là trứng đẻ trên cạn, nòng nọc sống tự do nhưng không cần thức ăn (thường các loài có nòng nọc sống trong nước và tìm kiếm thức ăn, noãn hoàng sẽ sớm tiêu biến ở các giai đoạn 23-25 khi chân sau bắt đầu phát triển) (Rowley và cs. 2012)


Sinh cảnh sống.  Ven suối trong rừng thường xanh và thứ sinh. Nòng nọc phát triển trực tiếp trong tổ không qua giai đoạn tự do trong nước (Frost 2022).


Phân bố. Việt Nam: Là loài phân bố rộng, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022; Pham và cs. 2019). Thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar (Frost 2022).


Tình trạng bảo tồn.  Sách đỏ Việt Nam: Không đánh giá. Danh lục đỏ thế giới: LC (ít lo ngại) (IUCN 2017).


Nguồn gốc tên loài. Tên loài "limborgi" được đặt theo tên người là Gustaf Arthur Osian Limborg (1848-1908), là một tiểu thuyết gia, thuyền trưởng và nhà thơ người Thụy Điển, người đã thu thập mẫu vật của loài này tại Myanmar (Burma) (Beolens và cs. 2013).


Loài tương tự. Loài này rất giống với loài L. hascheanus (trước đây ghi nhận tại Việt Nam), tuy nhiên khác biệt bởi kích thước lớn hơn (28-38 mm so với 18-25 mm ở loài L. hascheanus) (Inger & Stuart 2010).


Tài liệu tham khảo:

  • Beolens, B., Watkins, M. & Grayson, M. (2013) The eponym dictionary of amphibians. Pelagic Publishing, 550 pp.

  • Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.

  • Inger, R.F. & Stuart, B.L. (2010) Systematics of Limnonectes (Taylorana) Dubois. Current Herpetology 29 (2), 51–68.

  • IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2017. Limnonectes limborgiThe IUCN Red List of Threatened Species 2017: e.T58349A63899945. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2017-2.RLTS.T58349A63899945.en. Accessed on 09 January 2022.

  • Pham The Cuong, Phan Quang Tien, Do Trong Dang, Nguyen Quang Truong, 2019. New provincial records of the genus Limnonectes (Amphibia: Anura: Dicroglossidae) from Vietnam. Tap chi Sinh hoc, 41(2se1&2se2): 169–176. https://doi.org/10.15625/0866-7160/v41n2se1&2se2.14151

  • Rowley, J.J.L. & Altig, R. (2012) Nidicolous development in Limnonectes limborgi (Anura, Dicroglossidae). Amphibia Reptilia 33, 145–149. https://doi.org/10.1163/156853812X626179

Limnonectes limborgiLuan Nguyen
00:00 / 00:03
bottom of page