top of page

Bộ: Anura > Họ: Dicroglossidae > Dưới họ: Dicroglossinae > Giống: Fejervarya

Fejervarya limnocharis

Ngóe, nhái – Paddyfield Frog

Đặc điểm nhận dạng. Kích thước trưởng thành khoảng 4-5 cm. Cơ thể thuôn dài, đầu hơi nhọn. Mõm khá nhọn khi nhìn từ mặt bên. Lỗ mũi hình ô van, hướng ngang. Con ngươi dạng thoi tù, hơi tròn vào ban đêm. Màng nhĩ rõ, tròn, viền màng nhĩ nhô lên. Lưỡi tù, chẻ sâu đầu mút, chiều dài phần tự do khoảng một nửa chiều dài lưỡi. Túi kêu trong con đực rõ ràng, túi kêu ngoài khi kêu phình thành 2 túi lớn ở ngoài.


Cánh tay khá mập. Màng bơi giữa các ngón tay không phát triển. Cẳng chân mập. Ống chân dài bằng nửa chiều dài thân. Màng bơi giữa các ngón ít phát triển không quá nửa ngón chân IV. Khi chân gập dọc, khớp cổ chân chạm mắt, hai gót chân chạm nhau khi chân gập vuông góc với thân.


Da phần trên và bên đầu trơn với các gờ da hiện rõ. Da lưng trơn có các gờ chạy dọc lưng là đặc điểm đặc trưng của loài này. Da hông trơn với những mụn nhỏ nổi lên, không có gờ dài. Gờ da bên lưng không có, thay bằng 1 số gờ ngắn đứt đoạn. Gờ da trên màng nhĩ kéo dài từ sau mắt tới trên bả vai. Da trên chân và tay nhẵn với những mụn nhỏ rải rác. Da ở cằm, ngực và bụng nhẵn.


Loài này có màu sắc rất đa dạng từ nâu, nâu sáng hoặc xanh, màu đặc trưng là nâu đất. Mặt trên và bên đầu màu nâu sáng. Má, màng nhĩ, các môi màu nâu và có vài vệt đậm ở môi. Mắt 1 màu nâu, con ngươi màu đen. Mặt lưng và hông màu nâu hoặc xanh nhạt loang lổ. Mặt trên các chân nâu với một số vệt đen. Cằm và ngực màu trắng ở con cái, có vệt đen ở con đực trong mùa sinh sản. Mặt dưới các chân màu trắng đục. Bụng màu trắng đục, màu đậm hơn ở ngực (mô tả theo Taylor 1962 và kiểm tra mẫu vật).


Sinh học. Là loài đẻ trứng trong nước, thường gặp trứng đẻ thành đám ở các vũng nước tù sau mưa lớn. Hoạt động và sinh sản chủ yếu vào ban đêm. Loài này đẻ vào mùa mưa tùy theo vùng địa lý. Con đực kêu vào ban đêm cạnh vũng nước. Đặc điểm tiếng kêu nhiều nốt trong 1 tiếng kêu, kêu 2-3 tiếng thành nhóm cách quãng với nhau, với khoảng 0.3-0.5s cho mỗi tiếng kêu từ 10-15 nốt. Tiếng kêu nghe khá khàn "tẹcc-tẹcc-tẹcc-tẹcc"" giống còi xe khi gần hết pin đối với tai người.


Trứng và nòng nọc. Trứng màu đen lúc mới đẻ có lớp thạch trong suốt bao phủ bên ngoài. Nòng nọc khi có đủ 5 ngón chân sau có phần thân màu nâu nhạt với nhiều đốm và vệt đen, màu nâu sáng với đốm đen không đều. Phần vây trên và dưới đuôi nhô cao ở giữa đuôi, màu đục với nhiều vệt đen cách nhau, mút đuôi nhọn. Miệng hướng xuống. Ở giai đoạn 36 (chân sau phát triển đủ 5 ngón), nòng nọc có tổng chiều dài khoảng 4.5 cm (thân và đuôi). Nòng nọc phát triển tự do ở môi trường nước, từ sau khi trứng nở tới khi hóa ếch con khoảng 30-35 ngày (trong điều kiện nuôi nhốt) (mô tả theo quan sát trực tiếp).


Sinh cảnh sống. Sinh cảnh rừng tự nhiên cho tới đồng ruộng và rừng thứ sinh. Môi trường sống chủ yếu là ven suối cạn hoặc vũng nước.


Phân bố. Trong nước: phân bố rộng khắp cả nước, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ (Frost 2022).

Trên thế giới: Đảo Nicobar (Ấn Độ), Indonesia, Malaysia, Lào, Myama, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc (Frost 2022).


Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không đánh giá. Danh lục đỏ thế giới: LC (Ít lo ngại). Loài này được sử dụng rộng rãi làm thực phẩm ở nhiều nơi (Diesmos và cs., 2004).


Nguồn gốc tên loài. Tên loài "limnocharis" mang ý nghĩa về những gờ da dọc lưng trên lưng đặc trưng của loài ếch này. Nhiều tác giả sau này mô tả loài khác dùng từ gờ "limnocharis" để dễ hình dung.


Loài tương tự. Loài này rất giống với Ếch đồng (Hoplobatrachus rugulosus) khi còn nhỏ hay Ếch cua (Fejervarya moodiei) nhưng khác với Ếch đồng và Ếch cua bởi màng chân ít phát triển (không vượt quá ½ ngón IV) trong khi 2 loài còn lại có màng bơi ở chân phát triển hơn, quá ½ ngón IV. Ba loài thuộc giống Fejervaria phân biệt nhau bởi sự phát triển của màng bơi: Thứ tự màng bơi phát triển giảm dần: F. moodiei (phát triển tới củ dưới khớp ngón chân ngoài) > F. limnocharis (phát triển tới củ dưới khớp ngón chân thứ 2) > F. multistriata (phát triển tới giữa củ dưới khớp ngón 2 và 3). Ngoài ra F. multistriata có phần da quanh lỗ huyệt với nhiều mụn trắng, đặc điểm này không có ở F. limnocharis (Taylor 1962; kiểm tra mẫu vật).


Tài liệu tham khảo

Fejervarya limnocharisLuan Nguyen
00:00 / 00:07
bottom of page