top of page

Rắn khiếm Tuấn (Nguyễn Minh Tuấn)



Oligodon tuani Nguyen, Le, Vo & Murphy 2022

Loài rắn mới mang tên chàng trai trẻ đến từ Cao Nguyên Langbian, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.


Một ngày đẹp trời, thu Hà Nội, tôi nhận được một bài báo mới vừa xuất bản trên tạp chí Zootaxa từ đồng nghiệp. Bài báo mô tả một loài rắn khiếm mới cho khoa học cũng như Việt Nam. Điều đặc biệt là tên khoa học của loài rắn mang tên Nguyễn Minh Tuấn, người bạn, người em mà tôi quí mến.

Rắn khiếm, tên tiếng anh Kukri snake, tên gọi thể hiện chiếc răng rất độc đáo, cong như chiếc dao Kukri của người Nê-Pan. Nó thật sự sắc và ai đã từng bị cắn đều cảm nhận được. Tuy nhiên đây là một loài rắn hiền, chuyên gia trong việc ăn trứng.


Nhóm rắn này rất đa dạng ở nước ta và cả khu vực Đông Nam Á, với cái đầu có vệt tam giác nhọn đặc trưng và thân hình đa số là tròn, mập và nhiều trong số đó rất đẹp mắt. Hiện có gần 90 loài được ghi nhận thuộc giống này, trong số đó 24 loài hiện biết ở Việt Nam.


Loài mới, tên khoa học Oligodon tuani, thuộc nhóm loài Oligodon cyclurus vừa được tả ở Đà Lạt và một số điểm gần đó có một số đặc điểm hình thái chính như: kích thước cơ thể rất dài (tổng chiều dài lớn nhất là 888 mn); 19 hàng vảy hàng vảy ở vị trí giữa thân; 173-179 vảy bụng ở con đực và ở con cái là 187-193; 58 hoặc 59 vảy dưới đuôi ở con đực và con cái là 44 hoặc 45. Loài rắn khiếm Tuấn có màu nâu đến ô liu với 13 đốm sẫm màu ở trên thân và 4 đốm sẫm màu ở trên đuôi.


Hình thái bên ngoài của loài này rất giống với loài O. saintgironsi ở khu vực thấp (được ghi nhận ở Đồng Nai, Sài Gòn và 1 điểm ở Cambodia). Tuy nhiên, loài mới có thể phân biệt với loài này bởi kích thước cơ thể lớn (888 mm vs. 676 mm); đuôi dài hơn ở con đực trong khi ở con cái lại ngắn hơn; số hàng vảy quanh thân ở giữa thân nhiều hơn (19 vs. 17 hoặc 18); số vảy bụng nhiều hơn (con đực: 173-179 vs. 166-170; con cái: 187-193 vs. 184); vảy dưới đuôi ít hơn ở con cái (44 hoặc 45 vs. 53); và chiều dài ngọc hành ngắn hơn một chút (kéo dài đến vảy dưới đuôi thứ 25 vs. 27 hoặc 28). Ngoài ra, hình thái bên ngoài loài mới cũng khá giống loài O. fasciolatus, nhưng các đặc điểm hình thái chi tiết lại khác biệt như: ít hàng vảy quanh thân ở vị trí cổ hơn (19 vs. 21-23), tại giữa thân (19 vs. 21) và vị trí gần hậu môn (15 vs. 17); kích thước ngọc hành dài hơn (kéo dài đến vảy dưới đuôi thứ 25 vs. 14-21); vệt đen ở vùng thái dương mờ và không liên tục (vs. đậm, liên tục); mặt bụng với nhiều đốm đen hình chữ nhật (vs. mặt bụng màu trắng hoặc hơi đục).


Oligodon tuani được tìm thấy ở khu vực đồi thông, gần các trang trại trồng rau và gần khu vực dân cư. Cũng là nơi mà nhiều bạn trẻ thường lui tới ở Đà Lạt. Loài rắn đặt tên để vinh danh, trân trọng Tuấn, một chàng trai trẻ đam mê các loài bò sát và đặc biệt là các loài thuộc nhóm rắn khiếm Oligodon. Tuấn cũng là người đã tìm ra và thu thập mẫu chuẩn của loài rắn mới này.


Chi tiết về công bố xem tại: https://doi.org/10.11646/zootaxa.5196.4.5

43 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page