Ba loài thằn lằn cổ mới ở Việt Nam
- Vnherps
- 24 thg 5
- 4 phút đọc
Bạn có biết, trong số hơn 12 ngàn loài bò sát được ghi nhận trên toàn thế giới, thì có 2/3 trong số đó là Thằn lằn. Quả là một con số kinh ngạc phải không. Nhưng trên thực tế, cụ thể như ở Việt Nam ta, nhiều nhóm loài vẫn chưa được quan tâm, nghiên cứu về tính đa dạng cũng như vài trò của nó.
Nhóm thằn lằn cỏ, hay thằn lằn cổ, thuộc giống Scincella là một nhóm có kích thước khá bé, đa số cỡ tầm ngón tay cái chúng ta. Chúng sống ở môi trường hầu hết là rừng thường xanh ít bị tác động, khác với anh em rắn mối nhà mà ta thường thấy. Chính vì môi trường sống kín đáo đó mà đa dạng của nhóm này vẫn là một ẩn số.
Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế vừa công bố 3 loài thằn lằn mới thuộc giống Scincella tại miền Bắc và Nam Việt Nam, nâng tổng số loài Scincella ở Việt Nam lên 18.
Ba loài mới được đặt tên là Scincella auranticaudata – Thằn lằn cổ đuôi cam, Scincella honbaensis – Thằn lằn cổ hòn bà và Scincella alia –Thằn lằn cổ tây côn lĩnh.

Scincella auranticaudata Nguyen, Nguyen, Le, Nguyen, Phan, Vo, Murphy & Che 2025
Thằn lằn cổ đuôi cam được mô tả với kích thước cơ thể trung bình (chiều dài cơ thể lên tới 62,1 mm); 34–36 hàng vảy trơn quanh than; các vảy lưng không lớn; 67–74 hàng vảy sống lưng; 65–69 hàng vảy bụng; 4 vảy trên ổ mắt; 2 vảy má; 7 vảy môi trên; màng nhĩ chìm sâu có hình ovan; phần trước lưng và đỉnh đầu có màu đỏ đến nâu sáng, phần sau của lưng nâu sẫm, với các đốm đen lớn dọc sống lưng kéo dài
từ lưng đến gốc đuôi; dải dọc lưng–mạng sườn gián đoạn, có các đốm đen, bắt đầu từ vai đến gốc đuôi; hai bên cổ và ngực màu đỏ; đuôi màu cam; phần dưới đầu, thân và chi có màu hồng; phần dưới đuôi từ hồng đến vàng nhạt; mắt có con ngươi tròn đen và mống mắt vàng nhạt.
Loài này chỉ mới biết phân bố tại núi Tà Kóu (Tà Cú) ở Bình Thuận. Nó là một ngọn núi cô lập tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, xung quanh là rừng lá dầu rộng lớn trên nền cát ven biển.

Scincella honbaensis Nguyen, Nguyen, Le, Nguyen, Phan, Vo, Murphy & Che 2025
Thằn lằn cổ hòn bà được mô tả với kích thước bé (chiều dài cơ thể 47,5 mm), có 28 hàng vảy trơn quanh thân, các vảy lưng lớn với 6 hàng vảy ở mặt lưng, 64 vảy sống lưng, 74 hàng vảy bụng, 4 vảy trên mắt, 2 vảy má, 7 vảy môi trên, 1+2 vảy thái dương, 3 cặp vảy gáy, màng nhĩ chìm sâu có hình ô van. Lưng màu ô-liu với hai chấm đen chạy dọc trên lưng, sọc dọc lưng-hông liên tục có màu nâu sẫm, dải đen từ mõm kéo dài qua mắt và nối liền với sọc lưng-hông; nửa dưới sườn màu nâu nhạt với vài chấm đen thưa thớt; phần dưới đầu và cổ hơi trắng xanh; phần dưới cổ, thân, chi và đuôi có màu vàng nhạt đến vàng; rìa mí mắt trên và dưới có màu cam đến vàng; mắt đen, không đốm.
Loài này mới chỉ ghi nhận một mẫu vật duy nhất tại đỉnh Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa. Các nỗ lực ghi nhận các quần thể khác và mở rộng phạm vi phân bố của loài là cần thiết cho việc bảo tồn các nhóm loài ít được biết đến.

Scincella alia Bragin, Zenin, Nguyen & Poyarkov 2025
Thằn lằn cổ tây côn lĩnh có kích thước khá bé, từ 38.2–48.2 mm nhưng lại có đuôi rất dài xấp xỉ 2 lần thân. Cơ thể mảnh khảnh, có 26 (hiếm khi 28) hàng vảy quanh thân, vảy lưng nhẵn và lớn hơn những hàng vảy bên thân. Có 56–83 hàng vảy dọc lưng, 66-76 hàng vảy bụng bao gồm cả vảy cằm. Cơ thể màu nâu đồng ở lưng và vàng chanh ở mặt bụng, có sự khác biệt nhỏ về màu ở hai giới tính đực và cái.
Loài này hiện phân bố tại núi Tây Côn Lĩnh, tỉnh Hà Giang. Có hình thái khá giống với một loài thằn lằn cổ khác là Thằn lằn cổ Fansipan (Scincella fansipanensis) ở tỉnh Lào Cai.
Tài liệu tham khảo:
Bragin, A. M., Zenin, E. S., Dang, C. H., Dinh, T. V. A., Nguyen, T. Van, & Poyarkov, N. A. (2025). A new mountain species of the genus Scincella Mittleman, 1950 (Squamata: Scincidae) from Ha Giang Province, northern Vietnam. Zootaxa, 5636(2), 201–236. https://doi.org/10.11646/zootaxa.5636.2.1
Nguyen, S. N., Nguyen, L. T., Le, M. van, Nguyen, V. D. H., Phan, K. D., Vo, T.-D.-H., Murphy, R. W., & Che, J. (2025). Two new skinks of the genus Scincella Mittleman, 1950 (Squamata: Scincidae) from southern Vietnam. European Journal of Taxonomy, 989. https://doi.org/10.5852/ejt.2025.989.2899
Comments