Limnonectes dabanus
The set: Anura > Family: Dicroglossidae > Below family: Dicroglossinae > Genus: Limnonectes
Ếch nhẽo Đá Bàn – Toumanoff's Wart Frog
Đặc điểm nhận dạng. Là loài có kích thước trung bình trong giống Limnonectes, con đực dài thân khoảng 6 cm, con cái bé hơn khoảng 4 cm. Thân mập, con đực đầu phát triển về bề rộng, hàm dưới có hai mấu xương (răng nanh) được bao bọc bởi da. Phía sau đầu con đực có u xương nhô lên bao bọc bởi da rất đặc trưng. Màng nhĩ rõ và phát triển, tròn, gờ trên màng nhĩ rõ.
Chân mập, màng bơi chân trước không có, màng bơi chân sau phát triển tới giữa ngón IV, mút ngón chân hơi phình ra. Khi chân gập dọc cơ thể, khớp cổ chân chạm tới giữa mắt.
Da lưng, đầu và bụng nhẵn với các mụn nhỏ rải rác hai bên hông. Lưng màu nâu cam đến nâu, đôi khi có màu gạch, bụng màu trắng đục. Họng và ngực con đực màu nâu thẫm (Smith 1922; Nguyễn và cs. 2017; Phạm và cs. 2019; mẫu vật).
Sinh học. Loài này đẻ trứng ở các vũng nước cạn hoặc ven suối chỉ đủ ẩm không cần nước, có trường hợp ghi nhận trứng bám trên thành đá ven suối ẩm. Chưa giải thích được hành vi đẻ trứng này. Con đực kêu vào ban đêm vào tháng 6-8 dọc các suối nước nhỏ, lẩn dưới đám cỏ hoặc lá cây. Tiếng kêu thông báo ở con đực nghe như tiếng giọt mưa rơi trên lá, dạng một tiếng đơn (Rowley và cs. 2014),
Trứng và nòng nọc. Mô tả theo Rowley và cs. (2014), trứng ở giai đoạn 14 có 1 lớp màng dai trong suốt bao quanh, đường kính khoảng 5.7-6.1 mm. Ở giai đoạn phôi, phần cực động vật có kích thước khoảng 2.2-2.5 mm. Nòng nọc ở giai đoạn 29 và 31 được tìm thấy ở vũng nước cạn có lá mục dày ven suối. Tổng chiều dài nòng nọc khoảng 2 cm, riêng phần thân gần 1 cm. Thân dẹp, đuôi có phần vây phát triển vừa phải. Miệng hướng xuống, có các hàng keratin (răng); hàm trên có 2 hàng đứt đoạn, hàng dưới có 3 hàng, 1 hàng đứt đoạn (công thức hàng răng là 2(2)/3(1)). Nòng nọc có màu sắc rất đặc trưng của Giống này, bao gồm thân màu trắng trong với nhiều đốm đen, đuôi trong suốt với các đốm đen không đều. Cơ thể nòng nọc dẹp và vây đuôi thấp thể hiện sự chuyên biệt của nhóm này khi sinh sống ở môi trường nước cạn ven suối. Các loài sống ở suối có vây đuôi phát triển hơn.
Sinh cảnh sống. Bắt gặp ven suối ở sinh cảnh rừng trồng, nương rẫy và rừng thứ sinh phục hồi. Độ cao dưới 1000 m (Frost 2022; dữ liệu cá nhân).
Phân bố. Trong nước: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Nước ngoài: Campuchia (Pham và cs. 2019; Frost 2022).
Tình trạng bảo tồn. Sách đỏ Việt Nam: Không đánh giá. Danh lục đỏ thế giới: LC (ít lo ngại) (IUCN 2017).
Nguồn gốc tên loài. Từ "dabanus" xuất phát từ "Da Ban", một địa danh tại tỉnh Ninh Thuận khu vực ga Tháp Chàm. Tên loài được đặt theo địa danh nơi loài này được tìm thấy lần đầu tiên. Hiện nay, địa danh Da Ban không được hiển thị trên bản đồ và vị trí chính xác không được xác nhận (Smith 1922).
Loài tương tự. Tại Việt Nam, con đực loài này rất dễ phân biệt với các loài cùng giống Limnonectes do gờ xương (mũ) nhô cao ở trên đầu. Con cái dễ nhầm với nhiều loài khác, tuy nhiên nó có màng nhĩ khá lớn dễ nhận ra. Loài thứ 2 tại Việt Nam có phần mũ nhô ở đầu là Limnonectes gyldenstolpei (ghi nhận tại Quảng Bình), tuy nhiên phần nhô của loài này thấp và rộng hơn loài ếch nhẽo đá bàn (Smith 1922; Luu và cs. 2013).
Tài liệu tham khảo:
Frost, D.R. (2022) Amphibian Species of the World: an Online Reference. Version 6.0. Electronic Database accessible at http://research.amnh.org/herpetology/amphibia/index.html, (accessed on 01 January 2022). American Museum of Natural History.
IUCN SSC Amphibian Specialist Group. 2017. Limnonectes dabanus. The IUCN Red List of Threatened Species 2017: e.T88340811A113957701. https://dx.doi.org/10.2305/IUCN.UK.2017-2.RLTS.T88340811A113957701.en. Accessed on 16 December 2021.
Luu, V.Q., Nguyen, T.Q., Pham, C.T., Dang, K.N., Vu, T.N., Miskovic, S., Bonkowski, M. & Ziegler, T. (2013) No end in sight? Further new records of amphibians and reptiles from Phong Nha–Ke Bang National Park, Quang Binh Province, Vietnam. Biodiversity Journal 4, 285–300.
Pham The Cuong, Phan Quang Tien, Do Trong Dang, Nguyen Quang Truong, 2019. New provincial records of the genus Limnonectes (Amphibia: Anura: Dicroglossidae) from Vietnam. Tap chi Sinh hoc, 41(2se1&2se2): 169–176. https://doi.org/10.15625/0866-7160/v41n2se1&2se2.14151
Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Đ.H Vũ, Phạm T. Hoa, Nguyễn N. Sang. (2017) Kết quả bước đầu về thành phần loài lưỡng cư ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa C. V. Minh (Ed). Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ bảy, 261–267.
Rowley, J.J., Le, D.T.T., Hoang, H.D. & Ronal, A. (2014) The breeding behaviour, advertisement call and tadpole of Limnonectes dabanus (Anura: Dicroglossidae). Zootaxa 3881, 195–200. https://doi.org/http://dx.doi.org/10.11646/zootaxa.3881.2.8
Smith, M. A. 1922. The frogs allied to Rana doriae. Journal of the Natural History Society of Siam 4: 215–229.